Abstract: | 10.1
Hiện nay, nhu cầu học tiếng Việt của người nước ngoài ngày càng tăng.
Đó là một hệ quả tất yếu của sự hội nhập quốc tế và giao lưu văn hóa.
Đáp ứng nhu cầu đó, hoạt động dạy tiếng Việt cũng ngày càng đa dạng hơn,
cả về đối tượng học và về người dạy học. Việc nghiên cứu các vấn đề
liên quan đến hoạt động dạy tiếng Việt cho người nước ngoài đã có khá
nhiều, tuy nhiên chưa thực sự triệt để và chuyên nghiệp. Trong việc
giảng dạy ngoại ngữ nói chung, việc dạy và học tiếng Việt nói riêng,
ngày nay người ta đang có xu thế chuyển dần từ dạy ngữ pháp mô
tả sang ngữ pháp giao tiếp, với các phát ngôn là đối tượng
chính. Hạt nhân của các phát ngôn là các sự tình (state
affairs). Trong tiếng Việt, đa phần các sự tình được biểu thị
bằng Vị ngữ – Động từ. Như vậy, nếu muốn đạt hiệu quả trong
dạy và học tiếng Việt thì phải ưu tiên cho việc học và rèn
luyện động từ cũng như cách dùng động từ.
10.2 Về sự tồn tại của động từ tiếng Việt, từ trước đến nay luôn có rất
nhiều ý kiến nhưng có hai ý kiến trái ngược nhau. Ý kiến thứ nhất phủ
nhận sự tồn tại của động từ và ý kiến thứ hai thừa nhận sự tồn tại của
động từ. Ý kiến thứ hai thừa nhận sự tồn tại của động từ, nhưng những
người theo ý kiến này lại khác nhau về điểm xuất phát cũng như về kết
quả đạt được. Nguyễn Kim Thản chủ trương phân định từ loại dựa vào cả ý
nghĩa lẫn hình thức ngữ pháp. Những tác giả chủ trương xuất phát từ ý
nghĩa để xác định loại từ là Đinh Văn Đức, Trần Trọng Kim, Bùi Đức Tịnh,
Nguyễn Lân,… Các tác giả chứng minh sự tồn tại của danh từ và động từ
tiếng Việt bằng cách đối lập khả năng kết hợp của hai từ loại, như khả
năng kết hợp với những từ chỉ định( này, kia…), với từ chỉ sở thuộc, với
đại từ (có là và không có là), với định ngữ tính từ (danh từ thì kết
hợp trực tiếp, động từ thì có thể có từ cho), với những từ phủ định. Gần
đây, qua một số công trình nghiên cứu như của Cao Xuân Hạo, Nguyễn Thị
Quy, Nguyễn Văn Lộc...việc nghiên cứu động từ nói chung cũng như động từ
chủ động nói riêng đã có phần rõ nét hơn.Tuy nhiên, về động từ chủ động
đến nay hầu như chưa có công trình nào nghiên cứu có hệ thống và chuyên
sâu.
10.3 Thuật ngữ kết trị (còn được gọi là hoá trị, ngữ trị) vốn được dùng
đầu tiên trong hoá học, để đánh dấu khả năng của các nguyên tử làm hình
thành các mối liên kết hoá học. Thuật ngữ này được dùng trong ngôn ngữ
học vào những năm 40 của thế kỉ XX để “đánh dấu khả năng kết hợp của
từng kí hiệu ngôn ngữ có thể có với các kí hiệu khác để tạo thành giá
trị chung nhiều hơn hoặc ít hơn giá trị của các yếu tố đó cộng lại”.
Theo cách hiểu hẹp, kết trị chỉ là thuộc tính kết hợp của động từ hoặc
một số từ loại nhất định. Như vậy, lí thuyết kết trị ban đầu chỉ được sử
dụng ở phạm vi hẹp, nói cách khác, mới chỉ được dùng để nghiên cứu
thuộc tính kết hợp của từ.
Kết trị của động từ là khả năng của động từ tạo ra xung quanh mình các
vị trí mở cần hoặc có thể làm đầy bởi những thành tố cú pháp (những thực
từ) mang ý nghĩa bổ sung nhất định. Nói cách khác, kết trị của động từ
là thuộc tính của động từ kết hợp vào mình những thành tố cú pháp bắt
buộc hay tự do.
Thuộc tính kết hợp này hàm chứa trong ý nghĩa của bản thân động từ. Nó
chính là sự phản ánh những đòi hỏi hoặc khả năng của động từ được cụ thể
hoá về mặt nào đó”.
10.4 Nhiệm vụ được đặt ra ở đây, lựa chọn các động từ và giải thích
chúng như thế nào để vừa đáp ứng được nhiệm vụ dạy tiếng Việt như một
ngoại ngữ, vừa có thể ứng dụng nhuần nhuyễn chúng trong đời sống hàng
ngày mà vẫn phù hợp với đối tượng sử dụng được hướng đến là người nước
ngoài.
Tài liệu tham khảo chính được sử dụng ở đây là cuốn từ điển tiếng Việt
(Hoàng Phê chủ biên, tái bản năm 2010), qua hai lần chỉnh lý với 39.924
từ ngữ, trong đó ghi nhận được 10.660 động từ tiếng Việt, bao gồm tất cả
những từ ngữ thường dùng trong đời sống và thường gặp trên sách báo,
các từ ngữ phương ngữ phổ biến, có tính ứng dụng cao trong đời sống hàng
ngày cho đến các thuật ngữ khoa học – kỹ thuật thông dụng. Với sự phân
hóa rõ rết như vậy, nguồn từ vựng bao gồm cả từ cơ bản cho đến thuật ngữ
này hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu dạy và học tiếng Việt.
10.5 Dựa vào số lượng diễn tố, L. Tesnière chia động từ thành động từ
không diễn tố hay động từ vô trị (verb avalent), động từ một diễn tố hay
động từ đơn trị (verb monovalent), động từ hai diễn tố hay động từ các
nguyên tử khác, còn được gọi là song trị (verb trivalent), động từ ba
diễn tố hay động từ tam trị (verb divalent).
10.6 Kết quả nghiên cứu là sự đề xuất một bảng động từ tiếng
Việt dưới dạng một từ điển. Cho đến nay, chưa có bất kì một
tài liệu nào lập danh sách động từ với tư cách là một hướng
dẫn cho người học. Bởi vậy, ở luận văn này, chúng tôi chủ
trương bù đắp vào sự thiếu hụt đó, bằng cách tiến tới xây
dựng một từ điển động từ cho người học. |
Nhận xét
Đăng nhận xét